Ba bệnh có thể lây nhiễm từ thú cưng sang người

Ba bệnh có thể lây nhiễm

Thú cưng trong gia đình có thể chứa giun và các loại vi khuẩn, lây nhiễm cho người gây tiêu chảy, sốt, ngứa; cần chủ động phòng ngừa.

ThS Nguyễn Diệu Thúy, chuyên viên y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết nuôi thú cưng là trào lưu được nhiều người yêu thích. Động vật được chọn làm thú cưng rất đa dạng, phổ biến là chó, mèo, chuột hamster, chim cảnh. Mỗi loài có thể chứa nhiều mầm bệnh và lây truyền cho người.

  1. Nhiễm ký sinh trùng

Nhiều người nuôi thú cưng có thói quen chơi, ngủ cùng và coi thú cưng là những người bạn thân thiết. Tuy nhiên, các hành động này gây nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng từ động vật.

Ví dụ ở mèo có ký sinh trùng Toxoplasma gondii (T. gondii), gây bệnh toxoplasmosis. Loại ký sinh trùng này phổ biến trên thế giới, người nhiễm không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, toxoplasmosis có thể gây biến chứng nghiêm trọng ở người tổn thương hệ miễn dịch, thai phụ, ví dụ nhiễm trùng mắt, não, dị dạng thai nhi, sảy thai. Trẻ sinh ra có thể gặp vấn đề về não, mắt, động kinh, chậm phát triển hoặc rối loạn máu.

Người nuôi thú cưng còn có thể nhiễm giun đũa chó mèo, gây sẩn ngứa, mề đay, đau đầu, co giật, sốt kéo dài, rối loạn tiền đình, mất ngủ. Giun có thể tạo thành u trong các phủ tạng như gan, tim, phổi, thận, não, mắt, cơ… hoặc rối loạn chức năng tiểu cầu dẫn đến xuất huyết, viêm não.

Trẻ em có thể nhiễm giun khi tiếp xúc với chó, mèo. Nguồn: Today Show

Giun móc có thể lây sang người thông qua da khi tiếp xúc gần, ôm hôn chó mèo hoặc đi chân trần trên nền đất ẩm có lẫn chất thải động vật. Triệu chứng nhiễm giun móc gồm ho, đau ngực, thở khò khè… Bệnh có thể trở nặng gây thiếu máu, protein, hốc hác, suy tim.

2. Tiêu chảy do khuẩn Campylobacter

Chủng vi khuẩn Campylobacter thường trú ngụ ở gia cầm và mèo, chó. Đường lây nhiễm chính là từ thực phẩm, ví dụ ăn phải thịt chưa chín kỹ, sữa tươi hoặc sữa nhiễm khuẩn, chất thải của động vật, nước có nhiễm khuẩn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Campylobacter là một trong 4 nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy, là lý do phổ biến nhất gây viêm dạ dày ruột. Người nhiễm vi khuẩn này thường mắc bệnh nhẹ; trẻ nhỏ, người già và suy giảm miễn dịch có thể tử vong. Hiện thế giới chưa có vaccine phòng bệnh được phê duyệt, chỉ một ứng viên vaccine đang thử nghiệm lâm sàng.

3. Bệnh dại

Hiện dại nằm trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có số tử vong cao trên người tại Việt Nam. Bệnh lây từ sang người thông qua vết cắn, cào hoặc tiếp xúc qua vết thương hở, liếm của động vật. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vaccine phòng dại. Việt Nam trung bình mỗi năm ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại. Hàng năm có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại, với chi phí ước tính hơn 300 tỷ đồng.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 43 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Tiêm ngừa vaccine dại là biện pháp phòng bệnh và giảm tử vong. Nguồn: Healthworld

4. Phòng bệnh thế nào?

Mọi người tránh ăn thịt sống hoặc chưa nấu chín, rửa sạch dụng cụ nhà bếp, trái cây, rau. Nếu gia đình có trẻ nhỏ, trẻ cần tránh chơi ở khu vực có chất thải của mèo, không cho phép mèo vào bếp, không nhận nuôi mèo, chó đi lạc.

Hàng tuần, gia đình cần dọn dẹp sạch sẽ nơi thú cưng nằm. Phân chó, mèo, thú cưng cần chôn lấy hoặc đựng trong túi kín, vứt vào thùng rác. Gia đình định kỳ tẩy giun và tiêm phòng dại cho chó, mèo, rửa tay sạch sau khi chơi với thú cưng.

Còn bệnh dại, đã có vaccine, thường được tiêm sau khi bị động vật, cắn cào hoặc tiêm dự phòng cho nhân viên thú y, những người thường xuyên tiếp xúc động vật.

Hiện Việt Nam có vaccine Verorab (Pháp) và vaccine Abhayrab (Ấn Độ) để phòng dại. Liệu trình đối với người chưa từng tiêm vaccine bao gồm 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28 (đối với đường tiêm bắp) hoặc 4 mũi vào các ngày 0-3-7-28 (đối với đường tiêm trong da). Trường hợp phơi nhiễm độ III cần phối hợp tiêm huyết thanh kháng dại. Trong trường hợp chủ động tiêm ngừa khi chưa bị chó mèo cắn, phác đồ sẽ bao gồm 3 mũi vào các ngày 0-7-21 hoặc 0-7-28.

Nhật Linh

Hơn 120 trung tâm thuộc Hệ thống tiêm chủng VNVC đang có đầy đủ vaccine phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và người lớn. Tất cả vaccine được bảo quản an toàn, chất lượng cao và có hệ thống tra cứu lịch tiêm chủng, nhắc lịch tiêm qua tin nhắn, hỗ trợ tiêm đúng, đủ phác đồ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *